Hiệp hội Nguồn nhân lực xây dựng Nhật Bản (JAC) vừa thông báo, ngày 23/3, kỳ thi kỹ năng đặc định đầu tiên sẽ được tổ chức lần tại Việt Nam. Người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật, với mức lương cao ngang ngửa với lao động bản xứ. Trước tín hiệu này, nhiều doanh nghiệp trong nước đang rục rịch tuyển chọn lao động trở lại, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Lãnh đạo Công ty TNHH Esuhai cho biết, công ty đang tuyển dụng hàng trăm lao động đi làm việc tại Nhật theo chương trình kỹ năng đặc định. Từ năm 2019, sau khi chương trình được Chính phủ Nhật phê duyệt, mọi thông tin về kỳ thi, cách thức tuyển vẫn chưa được phổ biến.
“Những tưởng sang năm 2020, chương trình có thể triển khai. Nhưng dịch COVID-19 đã khiến phía Nhật tạm ngưng tất cả các hoạt động tuyển chọn lao động nước ngoài. Với việc phía Nhật Bản tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định, đây là tín hiệu tích cực cho người lao động nói riêng và cả thị trường nói chung trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn yêu cầu của chương trình này là lao động phải có tay nghề cao và trình độ tiếng Nhật từ N4 trở lên. Ngoài ra, khác với các chương trình trước đây, để trúng tuyển kỹ năng đặc định lao động phải vượt qua các kỳ thi do phía Nhật tổ chức. Hiện, công ty mở cửa trung tâm đào tạo trở lại để bồi dưỡng cho lao động đủ năng lực tham dự kỳ thi.
Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp phái cử lao động đang rục rịch hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp cho biết, mỗi tháng Việt Nam có khoảng 10 nghìn thực tập sinh về nước nên số lượng lao động quan tâm đến chương trình rất lớn. Từ năm ngoái, nhiều đối tác Nhật đã giục họ bao giờ có lao động kỹ năng đặc định, nhưng chương trình bị gián đoạn do dịch COVID-19 bùng phát. Sau thời gian dài chật vật với dịch bệnh, đây được xem là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp và người lao động.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, với chương trình kỹ năng đặc định, phía Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng khoảng 350 nghìn lao động, trong 14 ngành nghề gồm: Xây dựng (40 nghìn người); Đóng tàu (13 nghìn người); Nông nghiệp (36,5 nghìn người); Thực phẩm (34 nghìn người); Nhà hàng ăn uống (53 nghìn người); Ngư nghiệp (9 nghìn người); Vệ sinh tòa nhà (37.000 người); Công nghiệp rèn đúc (21.500), Hàn cơ khí (5.250 người); Lưu trú khách sạn (22.000 người); Điện, thông tin điện tử (4.700 người); Bảo dưỡng/sửa chữa ô tô (7.000 người); Hộ lý chăm sóc người cao tuổi (60.000 người); Hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý (2.200 người).
Cục vừa phê duyệt danh sách cho hơn 200 doanh nghiệp được thực hiện chương trình kỹ năng đặc định. Đầu tháng 3, Cục Quản lý lao động ngoài nước làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các đơn vị liên quan. Trong đó, phía Nhật cho biết đang cân nhắc việc có thể mở cửa để tiếp nhận lao động Việt Nam sau 2 tuần nữa hay không. Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cả Việt Nam và Nhật Bản đều chưa có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin nên vẫn phải chờ tình hình dịch COVID-19 tại nước này trong thời gian tới.
Ngoài ra, Trung tâm Lao động ngoài nước và Văn phòng IM Japan tại Việt Nam đang phối hợp tổ chức các kỳ thi tuyển chọn để khi Nhật Bản nới lỏng chính sách, lao động Việt Nam sẵn sàng đi làm việc.