Nghệ An: Quán cơm 2.000 đồng ấm lòng bệnh nhân, lao động nghèo

Đến với quán cơm, thực khách chỉ trả 2.000 đồng cho phần cơm mặn và 1.000 đồng cho phần mỳ tôm trứng là sẽ có được bữa trưa no bụng, ngon miệng. Nơi đây, dần dần trở thành tên gọi quen thuộc, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần chia sẻ, làm vơi bớt khó khăn cho các bệnh nhân và người lao động nghèo thêm ấm lòng.

Một suất cơm với đầy đủ món mặn, món xào, canh cùng tráng miệng, trà đá nhưng vẻn vẹn chỉ có 2.000 đồng, và đối tượng được hướng đến là những bệnh nhân nghèo, phụ hồ, xe ôm…

Nghệ An: Quán cơm 2.000 đồng ấm lòng bệnh nhân, lao động nghèo
Quán cơm Thiện tâm tại Nghệ An bán vào buổi trưa các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần

Sau rất nhiều nỗ lực của các thành viên, quán cơm từ thiện Yên Vui ở đường Phùng Khắc Hoan và quán cơm của tổ Thiện tâm 20 – 34 đường Lê Huân (TP. Vinh) đi vào hoạt động đến nay đã gần 2 năm. Quán cơm Yên Vui mở cửa phục vụ khách vào các trưa thứ 2, 4, 6; tổ Thiện tâm 20 – 34 mở cửa phục vụ khách các buổi trưa thứ 3, 5, 7 hàng tuần.

Mở cửa phục vụ từ giữa tháng 11/2020, quán cơm Yên Vui là 1 trong chuỗi các quán cơm từ thiện của Quỹ từ thiện Bông Sen có mặt trên nhiều tỉnh thành cả nước, nguồn kinh phí hoạt động đều do các nhà hảo tâm trên cả nước quyên góp, ủng hộ. Trong khi đó, quán cơm 2.000 đồng do Tổ Thiện tâm 20 – 34 Lê Huân, chủ yếu là những lao động tự do, làm ăn, buôn bán ở TP. Vinh tập hợp lại mở ra.

Có mặt tại quán cơm gần giờ trưa, rất đông bệnh nhân, người lao động nghèo xếp hàng, lấy số thứ tự để vào mua cơm tại hai quán này. Phía bên trong quán, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; mọi thứ đều sạch sẽ, sáng bóng. Các nhân viên trong quán, hầu hết là các tình nguyện viên, mỗi người một việc rất tất bật, song ai cũng niềm nở, vui vẻ, nhiệt tình để đem lại bữa ăn ngon nhất cho các thực khách.

Nghệ An: Quán cơm 2.000 đồng ấm lòng bệnh nhân, lao động nghèo
Nụ cười rạng rỡ của các cô, các bác lao động nghèo ghé quán cơm 2.000 đồng

Ông Hà Văn Hoan, huyện Yên Thành (Nghệ An) chia sẻ: Đã hơn nửa năm qua tôi điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Trước đây, tôi thường ăn suất cơm với giá 20 – 30 ngàn đồng, song khi quán cơm Yên Vui và quán cơm 2.000 đồng mở cửa vào buổi trưa phục vụ các bệnh nhân và người nghèo nên trưa nào tôi cũng đến ăn. “Cơm tại đây vừa rẻ, ngon, sạch và rất hợp với khẩu vị. Khi phải điều trị trong thời gian dài, được ăn những suất cơm giá rẻ nhưng chất lượng như thế này khiến những bệnh nhân như tôi cảm thấy rất ấm lòng…”, ông Hoan rưng rưng.

Cùng chung sự cảm kích, chị Nguyễn Thị Lan có con đang phải điều trị bệnh tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh Nghệ An cho biết, con chị bị bệnh tan máu bẩm sinh, nên việc điều trị kéo dài từ năm này qua năm khác khiến chi phí đi lại, ăn ở và điều trị rất tốn kém. Từ khi có những quán cơm giá 2.000 đồng, gia đình chị cũng đỡ khoản chi phí không nhỏ để có thêm tiền vào chữa trị cho cháu.

Quá trưa, thấy chị Nguyễn Thị Nga (40 tuổi) đạp chiếc xe thu mua đồng nát, tình nguyện viên liền mời chị ghé quán ăn thử suất cơm. Hoàn cảnh khó khăn, chồng bị tai nạn mất sớm, chị Nga gửi con ở quê với ông bà, hàng ngày đạp xe thu mua đồng nát, một mình bươn chải kiếm sống qua ngày. Lang thang bán hàng khắp đường phố, cứ gặp đâu ăn đó, có khi chỉ ăn vội chiếc bánh mì, vắt xôi bên đường, chị nói chưa bao giờ được ngồi quán sạch sẽ, cơm ngon thế này.

“Quán sạch sẽ, ăn ngon miệng lắm”, chị Nga nở nụ cười gửi lời cảm ơn đến tình nguyện viên.

Nghệ An: Quán cơm 2.000 đồng ấm lòng bệnh nhân, lao động nghèo
Phần lớn khách hàng đến với quán cơm là những bệnh nhân nghèo

Với mức giá 2 nghìn đồng chỉ mang tính tượng trưng để thực khách cảm thấy suất cơm mình ăn là mua chứ không phải được phát miễn phí. Những khách trả tiền cao hơn với giá 2.000 đồng để ủng hộ quán đều được nhân viên của quán ghi chép cẩn thận và công khai trên trang website của chương trình.

Mỗi buổi, quán phục vụ từ 100 – 150 suất cơm. Không chỉ phục vụ bệnh nhân nghèo mà bất kỳ ai khó khăn khi đến với quán đều được ăn suất cơm đủ dưỡng chất với giá 2.000 đồng, cơm chay và mì tôm trứng giá 1 nghìn đồng/suất. Quán cơm phi lợi nhuận nên ngoài thức ăn mặn thuê một khách sạn nấu để đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như chất lượng và chi phí thuê mặt bằng, toàn bộ quản lý, nhân viên, phục vụ ở đây đều làm việc không lấy tiền. “Qua những công việc cụ thể, mọi người biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, làm cho lòng nhân ái được lan tỏa trong cộng đồng” – chị Phạm Thị Thuỷ, người quản lý trực tiếp quán Yên Vui chia sẻ.

Bà Đào Thị Vân, thành viên Tổ thiện tâm 20 – 34 Lê Huân mở quán cơm 2.000 đồng cho biết, các thành viên của tổ đều có công việc riêng của mình. Song vì thương các mảnh đời bất hạnh, không may mắn, muốn chia sẻ bớt khó khăn với họ nên các thành viên tập hợp nhau lại để cùng kêu gọi mở quán cơm 2.000 đồng này. Trong thời gian tới, để quán hoạt động lâu dài, giúp được nhiều hơn bệnh nhân nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, quán sẽ tiếp tục kêu gọi các “mạnh thường quân”, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ. Trong đó, người có điều kiện có thể ủng hộ tiền, thực phẩm; nhiều người tình nguyện khác có thể hỗ trợ quán trong việc bưng bê, phục vụ, dọn vệ sinh…

“Mỗi ngày qua đi, tôi có thể cảm nhận được niềm vui của họ, cả những thực khách đến những anh chị phục vụ tại quán. Khi chung tay với quán cơm 2.000 đồng và các hoạt động từ thiện của nhóm Thiện tâm, phải chăng họ tin rằng lòng nhân ái đang tồn tại quanh ta và vui khi nó đang từng ngày lan tỏa rộng hơn nữa?” – bà Vân chia sẻ.

Từ khi hai quán cơm giá 2.000 đồng này ra đời, với mong muốn chia sẻ khó khăn với các bệnh nhân và người lao động nghèo, rất nhiều nhà hảo tâm, đơn vị đã kết nối để ủng hộ, duy trì hoạt động của quán ăn bằng nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử như Nhà hàng gà sạch 424 Đốc Thiết, TP. Vinh, đều đặn nhiều tháng qua đã nấu những suất cơm gà phục vụ thực khách tại quán Yên Vui vào trưa thứ 2 hàng tuần. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên, cán bộ đoàn, người lao động khi có thời gian rảnh rỗi đều tình nguyện đến phục vụ, bưng bê tại các quán cơm… những nghĩa cử tốt đẹp đó mong rằng ngày càng được nhân rộng, để tình nhân ái của cộng đồng được đến với nhiều người hơn.

Hoàng Trinh – Báo Công Thương